Không những có cái tên nghe khá lạ tai mà món bún này còn được bày biện với phong cách “không giống ai” nên càng gây sự chú ý nhiều hơn.
Là một tỉnh phía tây nam Trung Quốc và giáp với biên giới Việt Nam, Vân Nam vốn là vùng đất có phong cảnh đẹp và văn hóa ẩm thực khá đa dạng. Một trong những món ngon nổi tiếng của Vân Nam đó là món Bún qua cầu, món ăn mà bất cứ khách du lịch nào ghé qua cũng muốn một lần thử thưởng thức.
Món Bún qua cầu này nổi tiếng không chỉ nhờ độ ngon mà còn nhờ câu chuyện và ý nghĩa đằng sau khiến nhiều người cảm thấy thú vị lẫn yêu thích. Cùng tìm hiểu nguồn gốc ra đời của món bún nổi tiếng này để thấy được ẩn sau những món ăn đều có một câu chuyện vô cùng thú vị bạn nhé.
Câu chuyện này bắt đầu từ một chiếc hồ rất đẹp ở Vân Nam, Trung Quốc. Đây là một hồ nước rộng lớn và đẹp đến mức được ví như viên ngọc bích xanh thẳm giữa trời đất bao la. Điểm đặc biệt của hồ nước này là chính giữa hồ có một hòn đảo nhỏ che phủ nhiều cây xanh mát mẻ và vô cùng yên tĩnh.
Với không gian thiên nhiên thoáng mát và trong lành lý tưởng như thế nên hòn đảo này nhanh chóng trở thành địa điểm thu hút các học sĩ tìm đến để học tập chuẩn bị cho kỳ thi quan chức. Trong số các học sĩ này có một người đặc biệt siêng năng đến mức ở hẳn luôn trên đảo quyết tâm ôn tập giành thứ hạng cao trong kỳ thi sắp tới.
Lúc này, người vợ của anh học sĩ phải hàng ngày mang cơm ra cho chồng ăn để có sức học hành. Muốn qua được đến hòn đảo thì người vợ này phải băng qua một cây cầu rất dài nên cơm canh sau khi được mang qua cầu và đến tay anh chồng đã nguội lạnh ăn không còn ngon nữa. Lâu ngày, vì ăn không ngon miệng nên anh chồng bắt đầu sinh bệnh, ốm yếu, gầy mòn khiến người vợ cảm thấy vô cùng xót xa.
Từ đó, cô vợ bắt đầu suy nghĩ xem làm cách nào để món ăn sau khi qua cầu vẫn còn nóng hổi để chồng ăn ngon miệng hơn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, người vợ nảy ra ý tưởng mới và cô bèn bắt tay vào thử nghiệm ngay. Cô vợ làm một con gà để hầm lấy nước dùng, sau đó chuẩn bị các nguyên liệu khác như bún, thịt, rau… cho vào từng bát riêng lẻ.
Sau đó mỗi bữa ăn, người vợ mang từng bát nguyên liệu khác nhau sang cho chồng. Món sau cùng sẽ làm bát nước dùng gà chưa cho nguyên liệu vào nên vẫn còn rất nóng hổi. Đặc biệt, trong quá trình chế biến người vợ cũng phát hiện ra rằng, nếu cho thêm một lớp váng mỡ lên trên bát nước dùng sẽ giúp bát nước dùng giữ độ nóng lâu hơn.
Từ đó về sau, thức ăn đến tay anh chồng đều vẫn còn độ nóng nên anh chồng ăn ngon miệng hơn, sức khỏe dần trở nên tốt hơn nên cũng tập trung hơn vào việc học hành. Cuối cùng, anh chồng đã đỗ cao trong kỳ thi sau đó và anh ta luôn nhớ đến món bún mà vợ phải băng qua cầu mỗi ngày mang sang cho anh.
Kể từ lúc ấy, món ăn này được gọi là món 过桥 米线 (guoqiao mixian) dịch ra tiếng Việt là “Bún qua cầu” (Crossing The Bridge Noodles) và được lan truyền rộng rãi trong dân gian với ý nghĩa về tình vợ chồng sâu sắc.
Ngày nay, món Bún qua cầu vẫn còn được xem là một trong những đặc sản của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bún qua cầu vẫn giữ nguyên phong cách từ ngày xưa là sử dụng các đĩa nguyên liệu riêng biệt nên người ăn có quyền lựa chọn sẽ cho gì vào bát nước dùng. Nước dùng gà được để riêng và có cho thêm lớp váng mỡ lên trên nên độ nóng được giữ rất lâu khiến các thực khách đều cảm thấy hài lòng và ngon miệng.
Tuy nhiên, khi ăn bún cũng nên lưu ý cho các nguyên liệu theo đúng trình tự. Đầu tiên, bạn phải cho trứng vào bát nước dùng trước rồi mới cho thịt vào. Bạn chờ vài phút cho thịt chín rồi tiếp tục cho nấm, rau vào. Lúc này, bát nước dùng vẫn còn nóng đến mức tái chín được trứng lẫn thịt và rau. Và bún sẽ là nguyên liệu được cho sau cùng để nước dùng giữ độ nóng lâu hơn.
Khi đến Vân Nam, bạn có thể tìm thấy món “Bún qua cầu” ở rất nhiều nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ. Thậm chí có cả những quán ăn đường phố cũng phục vụ món ngon này. Tuy nhiên, người Vân Nam vốn nổi tiếng ăn khỏe nên tô nước dùng ở đây khá to, các nguyên liệu cũng rất nhiều, do đó đối với những người có sức ăn trung bình thì nên gọi một phần cho 2 người ăn để tránh lãng phí bạn nhé.